Xu hướng SEO dậy sóng năm 2022 sẽ là gì? Nên áp dụng những xu hướng nào trong số 15 xu hướng SEO dưới đây cho doanh nghiệp?
15 Xu Hướng Seo Dậy Sóng 2022
Nội dung bài viết
--------
I. USER INTENT – Ý định tìm kiếm của người dùng
Nếu hỏi điều quan trọng nhất trong marketing là gì? Thì mình nghĩ đó chính là tìm ra “insight” của khách hàng.
Còn nếu hỏi điều quan trọng nhất trong SEO của 2022 và tương lai là gì? Mình tin rằng đó chính là thấu hiểu và đáp ứng “user intent” (ý định tìm kiếm của người dùng).
Content không còn là King nữa, “User intent” mới là vị Vua mới!
Tại sao mình khẳng định như vậy? Bởi vì 2 lí do dưới đây:
- Trong năm 2021, 4 động thái rõ rệt nhất của Google hướng tới “user intent” đó là:
- Ra đời thuật toán MUM (Multitask Unified Model), mạnh hơn gấp 1000 lần so với BERT (Bidirectional Encoder Representations from Transformers), xuyên thủng 75 loại ngôn ngữ để hiểu nội dung trong mọi ngữ cảnh khác nhau từ video, hình ảnh, text,…
- Google passage indexing: Không chỉ nhìn vào toàn bộ bài viết, Google AI còn đi sâu vào từng đoạn văn. Chỉ cần một đoạn văn trong bài viết cũng có thể để đáp ứng tốt ý định tìm kiếm của người dùng.
- Title update: hàng triệu site “được” Google chủ động sửa lại tiêu đề. Tại sao Google không thông báo cho chủ site tự sửa? Mình không chắc, nhưng có lẽ ý của Google đó là “nếu SEO-er không đủ khả năng để hiểu khách hàng, thì hãy để Google làm việc đó”.
- Hàng loạt các thử nghiệm trên SERP. Chắc anh em vẫn còn nhớ có lần Google loại bỏ hiển thị * (sao đánh giá); rồi có lần không hiển thị full breadcrumb mà chỉ show domain. Ngoài ra, còn rất nhiều các lần test thử hiển thị hình ảnh, video mà các bản tin #nghienseo đã đề cập.
- Chuyển hướng từ phương pháp nghiên cứu từ khóa sang nghiên cứu chủ đề.
Có thể nói, xu hướng thấu hiểu “user intent” là điều tất yếu. Đồng thời, sự dịch chuyển vai trò trong SEO cũng đã thay đổi.
Nếu như trước đây, xét trong quan hệ tay 3 giữa: Content creator/SEO-er - Google (đại diện cho search engine) – User/Client (khách hàng đích) thì Google đứng ở giữa, lấy Google làm trung tâm. Lúc đó, chúng ta cần viết content cho Google (SEO content) vì người dùng cần Google để tìm kiếm thông tin.
Nhưng bây giờ và tương lai sau này, mối quan hệ đó sẽ lấy User làm trung tâm. Google không còn là công cụ tìm kiếm thông tin duy nhất nữa. Chúng ta có Tiktok, Youtube, Apple, Facebook, Reddit, Quora cũng đang cạnh tranh không ngừng. Không phải là SEO content nữa là là “content cho người dùng”.
Không chỉ dừng lại ở đó, mình tin rằng trong 3-5 năm tới đây, vai trò/sự ảnh hưởng của “content creator” sẽ ngày càng lớn, và chỉ xếp thứ hai sau “user intent” nhờ sự bùng nổ của Web 3 và NFT. Điều này cũng đồng nghĩa tầm quan trọng của Google sẽ xếp cuối cùng.
II. CONTENT QUALITY IS QUEEN - Nội dung chất lượng bao nhiêu, thống trị top bền vững bấy nhiêu
Hiểu được ý định tìm kiếm là điều kiện cần nhưng nội dung chất lượng mới là điều kiện đủ để lên top bền vững.
Thay vì nói “Content is King, Backlink is Queen” thì mình nghĩ nên đổi lại là “User intent is King. Content quality is Queen”.
Mình có quản lí một số PBN và cả money site của công ty. Một trong những lỗi mà mình rất ghét trong GSC đó là “Discovered, currently not indexed” (phát hiện nhưng chưa được lập chỉ mục).
Khi mình check lại những URL này thì mình thấy hầu hết trong số chúng đều mắc một lỗi chung là “thin content”. Các bài viết gần như chỉ chú trọng vào ngữ cảnh, còn lại giá trị thực sự thì không thấy đâu.
Dù cho có cố gắng ép index thế nào đi chăng nữa thì tỷ lệ thành công chỉ khoảng 40%, còn lại chịu chết. Nhưng index được một thời gian rồi lại mất.
Sau đó, mình có thử “edit content” (viết cho dài hơn một chút, cung cấp nhiều giải pháp hơn một chút) rồi “share social”. Kết quả là tỷ lệ được index tăng lên rõ rệt.
Rõ ràng, nếu bạn là nhà xuất bản thì bạn đều muốn các ấn phẩm của mình có chất lượng tốt nhất đúng không? Google cũng không ngoại lệ.
Bàn về xu hướng SEO, có những xu hướng là mới hoàn toàn, nhưng cũng có những xu hướng vẫn cứ kéo dài mãi không hết. Mình tin rằng chất lượng content chính là vậy.
“Content quality” giống như sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường lịch sử hơn 25 năm phát triển của SEO. Nó vừa là xu hướng của quá khứ, của hiện tại, và đồng thời là của tương lai ngành SEO.
III. VOICE SEARCH - Tìm kiếm bằng giọng nói
Việc quan trọng nên mình sẽ lặp lại 3 lần: tối ưu hóa cho voice search đi, tối ưu hóa cho voice search đi, tối ưu hóa cho voice search đi.
Rõ ràng, Google không chỉ muốn trở thành công cụ tìm kiếm, mà còn muốn trở thành công cụ trả lời nhiều hơn. Sự ra đời của các thuật toán NLP, Rankbrain, BERP, và mới nhất là MUM giúp Google AI ngày càng thông minh hơn.
Thực tế cũng cho thấy nhu cầu “hỏi” đang ngày càng bùng nổ. Mình phân tích Google Trend từ 2018 – 2021 và phát hiện:
- Google Trend 2018 không có bất kì câu hỏi nào lọt vào trend.
- Google Trend 2019 có thêm mục “Những câu hỏi nổi bật” với chủ yếu hai loại “là gì?”, “ở đâu?”
- Nhưng đến Google Trend 2020, không còn cột “Những câu hỏi nổi bật” nữa mà cột đó đã được tách ra thành 3 cột là “Ở đâu?”, “Là gì?”, “Như thế nào?”
- Google Trend 2021 thì còn nhiều hơn. Chúng ta có “Ở đâu?”, “Là gì?”, “Như thế nào?”, “Bao nhiêu?”, “Tại sao?”
Theo dbswebsite, trong năm 2020, khoảng 41% người trưởng thành sử dụng voice search ít nhất 2 lần/ngày. Đồng thời hơn một nửa người sử dụng smartphone có thói quan sử dụng voice search.
Voice Search đang là xu hướng tất yếu. Việc trở thành người bạn giao tiếp giúp củng cố tầm quan trọng của Google Assistant, đồng thời cũng nhằm cạnh tranh trực tiếp với Apple Siri, Amazon Alexa hay Microsoft Cortana.
Do đó, các nội dung được tối ưu cho Voice Search chắc chắn sẽ được Google ưu ái hơn rất nhiều trên SERP.
Vậy làm sao để tối ưu Voice Search? Theo như các tài liệu mà mình thu thập, bạn có thể áp dụng 2 cách dưới đây:
- Sử dụng câu hỏi. Chẳng hạn như muốn SEO key “khách sạn rẻ” thì bạn có thể tối ưu là “Làm sao để tìm khách sạn gần tôi?” Ngoài ra, chú ý bổ sung các trang Q&A, FAQ page.
- Tối ưu schema “speakable” cho các tìm kiếm how to (hướng dẫn). Schema Speakable sẽ giúp các bot xác định đây là phần nội dung thích hợp cho việc phát âm (text to speech) và Google Assistant sẽ có thể dễ dàng tiếp cận được. Google vẫn đang để schema này ở dạng “beta” (thử nghiệm). Nhưng đó là việc của Google, chúng ta cứ mạnh dạn đi trước đón đầu nhé.
IV. MOBILE UX - Ưu tiên cho trải nghiệm trên di động
Năm 2010, Google chuyển mình thành một công ty tiên phong cho di động (mobile-first company).
Năm 2015, lần đầu tiên lượng tìm kiếm trên mobile lớn hơn lượng tìm kiếm trên desktop. Đồng thời, số lượng người dùng chỉ truy cập internet bằng điện thoại cũng lớn hơn số lượng người dùng chỉ truy cập internet bằng máy tính.
Tháng 7/2019, Google tuyên bố Mobile First Indexing sẽ được áp dụng cho toàn bộ các trang web. Theo John Mueller chia sẻ thì đến khoảng tháng 6/2022, toàn bộ các web sẽ được chuyển qua Mobile First Indexing.
Tất cả các nền tảng bây giờ đều tối ưu cho di động. Vì vậy, SEO cũng không ngoại lệ.
Làm sao để tăng trải nghiệm khách hàng trên thiết bị di động chính là bài toàn mà rất nhiều SEO-er chúng ta phải trả lời. Khi Mobile UX tăng -> Time onsite tăng -> Mức độ hài lòng tăng -> Nhiều thứ khác cũng sẽ tăng.
V. FEATURED SNIPPETS - Đoạn trích nổi bật
Đoạn trích nổi bật được Google giới thiệu lần đầu vào năm 2014. Đến tháng 6/2020, “featured snippets” tiếp tục được update một tính năng cực kì mạnh mẽ đó chính là highlight (bôi vàng) phần nội dung trả lời cho câu hỏi tìm kiếm của user.
Chính Google đã xác nhận trong blog của mình: “Giới thiệu lại về đoạn trích nổi bật” rằng đoạn trích nổi bật giúp “mobile search” và “voice search” trở nên thuận tiện hơn.
Chẳng hạn như khi mình tìm kiếm “Cách thắt cà vạt” trên điện thoại chẳng hạn, thì Google Assistant sẽ đọc các bước hiển thị trên phần đoạn trích nổi bật.
Do đó, cùng với sự bùng nổ của mobile, voice search và thỏa mãn “user intent”, làng SEO 2022 sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt để giành phần thắng đoạn trích nổi bật.
Theo một nghiên cứu về Feature Snippet của Ahref, 99,58% đoạn trích nổi bật được lấy từ các kết quả trang 1 (top 10).
Còn theo phân tích về Đoạn trích nổi bật của Semrush, các đoạn trích nổi bật thường có độ dài khoảng 40-50 từ (250-300 ký tự), được đặt trong các thẻ <section>, <div> và đi kèm với các loại schema phổ biến như FAQ, Q&A, How to.
Tập trung đầu tư cho “featured snippets” chắc chắn là hướng đi đúng cho SEO 2022.
VI. EVERGREEN CONTENT & LONG-FORM CONTENT - Nội dung xanh và nội dung dài chất lượng cao
- “Evergreen content” được hiểu là dạng nội dung bền vững, “bốn mùa đều xanh”, có giá trị bền vững không sợ bị lỗi thời.
- “Long-form content” là dạng nội dung dài (khoảng trên 2000 từ), thường đi sâu vào vấn đề cụ thể.
Khi mà Google đang siết chặt E-A-T và số lượng content rác quá nhiều thì “Evergreen content” và “Long-form content” chính là sự khác biệt, giúp website sở hữu nguồn thông tin chất lượng. Không nhất thiết là viết nội dung mới, bạn hoàn toàn có thể làm mới nội dung cũ và biến nó thành “evergreen”, thành “long-form”.
Với sự ra đời của “Passage Indexing” vào năm ngoái, Google đọc hiểu từng đoạn văn trong bài. Và chỉ cần nội dung đó đáp ứng tốt nhất ý định tìm kiếm của người dùng thì nó sẽ được ưu tiên hiển thị trên đoạn trích nổi bật.
Hãy thử tưởng tượng, Evergreen content và Long-form có bao nhiêu đoạn văn, đã vậy đoạn nào cũng chất lượng nữa chứ. Cơ hội thống lĩnh “featured snippets” là đây chứ đâu.
Ngoài ra, nếu những nội dung này của bạn còn được tối ưu cho “voice search” nữa thì đúng là hết sẩy con bà bẩy.
Chưa kể, nếu bên bạn còn làm thêm phần infographic cho Evergreen, Long-form content hoặc có video tóm tắt nội dung,…thì tỉ lệ người đọc lưu ảnh infographic đó về máy, tải đoạn video đó về máy là cực cực kì cao.
VII. OMNICHANNEL SEO - SEO đa nền tảng
Mình có một "dự đoán táo bạo" thế này:
Câu chuyện SEO của năm 2021 chỉ là câu chuyện của SEO website nhưng câu chuyện SEO của năm 2022 và những năm về sau sẽ là câu chuyện của SEO đa nền tảng, SEO kết hợp trên mọi mặt trận. Trong đó, website là trung tâm kết nối tất cả.
Omnichannel SEO giúp chúng ta khai thác và tiếp cận khách hàng trên mọi mặt trận từ Google, YouTube, Facebook, Instagram, Twitter,…Đồng thời tăng sức mạnh và độ nhận diện thương hiệu cực kì hiệu quả.
Omnichannel SEO không chỉ đơn giản là việc chúng ta đăng bài trên web rồi share social. Omnichannel SEO là việc tối ưu nội dung cho từng nền tảng, sau đó liên kết chúng lại với nhau.
Đây không phải là do mình tự nghĩ ra, mà thực tế chính Google cũng đang làm như vậy!
Mình cũng chỉ là tình cờ vào kênh YouTube của Google xem
Sau đó mình đi theo các liên kết đến Instagram, Facebook, Twitter của Google. Và mình phát hiện ra tất cả các video trên kênh YouTube của Google đều được tối ưu lại cho phù hợp với từng social trên.
Cùng một nội dung video, nhưng trên YouTube là định dạng ngang, còn trên Insta là định dạng dọc. Nội dung nào mà có blog thì sẽ được đăng trên trang blog.google.
Chà, xem ra Google đã làm gương cho SEO-er chúng ta học hỏi rất nhiều đó chứ!
VIII. HÌNH ẢNH & “VISUAL CONTENT” - Tư liệu trực quan
Tin mình đi, ông nào thắng được về mặt hình ảnh thì sẽ như hổ mọc thêm cánh trong xếp hạng tổng thể từ khóa. Nhất là đối với các web bán hàng.
Trong năm 2021, John Mueller nhiều lần cho biết việc bạn dùng hình ảnh copy, hình ảnh không độc đáo thì cũng không có ảnh hưởng gì đến kết quả trên Google Search.
Nhưng đó là câu chuyện của năm cũ. Còn 2022, mình có 3 lí do để thuyết phục bạn về tầm quan trọng của hình ảnh/visual content đẹp/độc đáo/unique:
- Thứ nhất, “user intent” thích hình ảnh mới, hình ảnh độc, hình ảnh thực, hình ảnh thể hiện sự cá tính và chân thật.
- Thứ hai, Google Lens ngày càng tiến hóa và chứng tỏ vai trò vô cùng hữu ích trong kỉ nguyên mobile.
Nhưng Google Lens vẫn còn hạn chế, điển hình như việc chỉ dừng lại ở nhận diện ngôn ngữ, ký tự và những vật thể đơn giản như chó, mèo. Còn đối với những sản phẩm phức tạp như điều khiển tivi, đồng hồ đeo tay, Google Lens chưa thực sự làm tốt.
Vã dĩ nhiên, Google muốn con “Lens” của mình tiếp tục tiến hóa. Muốn tiến hóa được thì phải liên tục nạp nguyên liệu đầu vào: hình ảnh mới. Nên mình nghĩ những site có ảnh mới, độc đáo chắc chắn sẽ nhận được “khích lệ” từ Google.
Mình cũng dự đoán, chẳng bao lâu nữa thì Google Lens sẽ được nâng cấp ngang bằng hoặc thậm chí hơn Google Images về tính năng tìm kiếm sản phẩm bằng cách quét ảnh. Khi đó, chắc chắn các web có hình ảnh đẹp sẽ được bơm một lượng traffic khổng lồ.
- Thứ ba, Google đã có hẳn một case study nói về việc hình ảnh có kích thước lớn sẽ được ưu tiên hiển thị trong Google Discover và giúp tăng tổng lượng traffic lên tới 333%. Kỉ nguyên mobile sẽ chứng kiến sự bùng nổ về nhu cầu tìm kiếm bằng hình ảnh. Đến lúc đó, Google Images sẽ không chỉ còn là công cụ tìm kiếm thứ hai sau Google Search nữa.
Ngoài hình ảnh, “visual content” cũng sẽ là làn gió mới thổi hồn cho SEO.
Điển hình như Infographic. Mình rất thích các nội dung infographic không chỉ bởi được trình bày đẹp, thông tin chắt lọc mà còn dễ dàng lưu vào điện thoại.
Vậy tại sao không tận dụng dạng “visual content” này để SEO tốt hơn? Thay vì việc một bài viết chỉ có nội dung dạng text, thì tại sao bạn không kết hợp: bên trên là dạng text + hình ảnh truyền thống, bên dưới là một infographic tóm gọn lại thông tin của bài viết đó.
Làm như vậy, user chỉ cần một click là có thể lưu ngay nội dung đó về điện thoại, vừa tiện lại vừa nhớ thông tin tốt hơn. Mình đã thấy nhiều trang nước đang làm rất tốt điều này, điển hình như Site Checker.
Ngoài infographic, “featured image” cũng đặc biệt quan trọng trong SEO 2022, nhất là với tính năng “Google Interesting finds” mà chuyên trang Search Engine Land đã nhận định là “một cơ chế tìm kiếm hình ảnh đại diện cực kì bí ẩn trên Google Mobile giúp mang lại lượng traffic khổng lồ cho website của bạn”.
Tầm quan trọng của “featured image” cũng sẽ giống như thumbnail video YouTube vậy. Vì thế, hãy đầu tư nhiều hơn cho “hình ảnh đại diện” trong năm 2022 nhé.
IX. Sự liên kết và đồng bộ trong dữ liệu giữa các TOOL SEO của GOOGLE
Thương hiệu thì không thể cân đo đong đếm, nhưng dữ liệu thì có.
Từ sự thay đổi về giao diện của GSC đến việc GA4 có thể liên kết dữ liệu từ Search Console, mình cho rằng vào khoảng quý 4 của 2022, chúng ta sẽ có một lần đồng bộ và sáp nhập cực mạnh các luồng dữ liệu từ GA4, GSC, Google Maps, Google merchant center, Google data studio.
Thay vì việc phải xem xét và phân tích dữ liệu trên quá nhiều kênh, SEO-er sẽ có thể quản lý tập trung trên một nền tảng nhất định.
Trong các nền tảng kể trên, GA4 chính là trung tâm.
Thêm vào đó, ngày 7/10/2021, Google giới thiệu phiên bản Analytics 360 được kì vọng sẽ giúp các doanh nghiệp, tập đoàn lớn xây dựng một hệ thống marketing toàn diện nhất.
Và chắc chắn khi Analytics 360 đi vào hoạt động thì ít nhiều những site nhỏ của chúng ta cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp hoặc trực tiếp. Nên mình nghĩ việc liên kết dữ liệu trong các tool SEO của Google là điều tất yếu.
X. E-A-T - Sẽ quay trở lại và lợi hại hơn xưa
E-A-T của năm 2018 chỉ nhắm vào nhóm ngành YMYL (Your Money, Your Life), nhưng E-A-T của năm 2022, theo mình, sẽ tiến hóa và nhắm vào “YIYL” (Your Information, Your Life).
Đó là điều tất yếu. Chất lượng thông tin mà bạn tiếp thu sẽ quyết định đến cuộc sống của bạn, đặc biệt trong bối cảnh như hiện nay.
Có 2 lí do để Google đẩy mạnh E-A-T đối với tất cả các nhóm ngành trong năm 2022:
- Sự hậu thuẫn của thuật toán MUM
- Số lượng web spam đã quá nhiều khiến chất lượng thông tin bị suy giảm nghiêm trọng. Theo Cathy Edward – trưởng bộ phận tín nhiệm khách hàng của Google cho biết: 40% số lượng website được crawl trong năm 2019 ở châu Âu là spam
Mình dự đoán tầm tháng 6-8/2022 sẽ có một đợt core update tiếp theo liên quan đến E-A-T. Đã thành tiền lệ, Google bao giờ cũng dẹp loạn link spam trước, rồi mới đến dẹp loạn content sau. Tháng 7/2021 chính là “link spam core update”.
XI. Sự trỗi dậy của VIDEO và PODCAST
Video và podcast sẽ là sự bổ sung hoàn hảo giúp website có thêm sự đa dạng về nội dung và đáp ứng nhu cầu của người dùng tốt hơn.
Xu hướng nghe Podcast đã và đang tăng lên chóng mặt trong thời kì dịch bệnh, và dần trở thành thói quen của nhiều người.
Google Podcast cho phép tác giả và người nghe upload – tận hưởng nội dung hoàn toàn miễn phí.
Nếu như chúng ta đã có content hay rồi, chất lượng rồi thì tại sao không biến chúng thành podcast rồi upload lên các nền tảng podcast của Google, Apple, Amazon,… để kiếm một nguồn backlink miễn phí chất lượng, phủ sóng thương hiệu trên khắp mọi mặt trận.
Đồng thời, chúng ta có thể tận dụng luôn audio của podcast để làm thành video đơn giản (có thêm một số ảnh) cho bài viết và upload lên youtube rồi tối ưu SEO YouTube cho video đó luôn.
Từ nội dung bài viết đến hình ảnh, visual content, audio, postcad, video kết hợp lại với nhau thì quả thực không muốn lên top cũng khó.
XII. BACKLINK & GUESTPOST - Hoàng tử quốc dân
Backlink là một phần không thể thiếu trong SEO. Google càng dẹp loạn backlink nhiều thì chứng tỏ nó càng quan trọng và có khả năng thao túng thứ hạng. Từ vụ dẹp loạn link spam hồi tháng 11 năm ngoái, Google ra đòn “knock-out” cực mạnh (phạt tác vụ thủ công) đối với các web cố tình thao túng link.
Backlink là một phần không thể thiếu trong cách xếp hạng website của Google. Mặc dù Google đã công khai loại bỏ Pagerank Toolbar vào năm 2016 nhưng mình tin rằng Pagerank vẫn được Google sử dụng để xếp hạng website và công thức Pagerank đã có sự thay đổi phù hợp. Google không muốn công khai công thức đó bởi vì Google lo ngại vấn đề bị thao túng, hoặc cũng có thể là sợ bị các đổi thủ cạnh tranh như Bing, Duckduckgo bắt chước.
Dần dần các link bình luận forum, profile, gov hỏi đáp sẽ bị thanh trừ hoàn toàn. Điểm chung có thể nhận thấy là các link này không được đặt trong một bối cảnh có ý nghĩa đối với người dùng; mà chúng chỉ đơn thuần là để thao túng thứ hạng từ khóa.
Do đó, mình nghĩ rằng xu hướng backlink cũng đang có sự dịch chuyển dần theo hướng tự nhiên nhất có thể. Việc chúng ta đi mua link là đã trái với hướng dẫn của Google, nên hãy làm sao để link đó trông tự nhiên nhất có thể.
Chính vì vậy, mình dự đoán Guest Post và báo PR sẽ là hai loại backlink phát huy tác dụng rõ rệt trong 2022. Trong đó, Guest Post sẽ quốc dân hơn vì chi phí rẻ hơn.
Khi đi Guest Post, chúng ta cố gắng viết các bài unique >80% với độ dài từ 1000 từ trở lên. Nếu như có thể tạo ra và đi được các “Evergreen Guest Post” hoặc “Long-form Guest Post” như mình đề cập ở trên thì sẽ tuyệt vời biết mấy.
XIII. LOCAL SEO 2022 - Trải nghiệm mang tính cá nhân hóa
2022 chắc chắn sẽ là năm bùng nổ của local SEO, đặc biệt là giai đoạn hậu covid khi mà những nhu cầu vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống bị kìm hãm trong gần 2 năm.
Bạn có từng thắc mắc là tại sao Google lại đổi tên Google My Business thành Google Business Profile vào tháng 11/2021 không?
Mình đặc biệt chú ý đến chữ “Profile”. Nếu như “Google My Business” dịch ra tiếng Việt chỉ đơn giản là “Business của tôi”, “Công việc kinh doanh của tôi” thì “Google Business Profile” lại được hiểu là “Hồ sơ kinh doanh của tôi”.
Khi chúng ta đi pitching, đàm phán với đối tác, điều đầu tiên họ muốn chúng ta show ra là gì? Chính là Profile. Profile có đủ mạnh không? Profile có hấp dẫn không? Profile có uy tín không? Và quan trọng nhất, Profile của bạn có phù hợp với chúng tôi hay không?
Profile bao gồm rất nhiều thứ từ tên, địa chỉ, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, đánh giá từ khách hàng, đối tác,…
Ngay từ việc đổi tên, Google đã muốn các chủ doanh nghiệp phải có một hồ sơ thực sự nổi bật trên sân chơi của Google.
Song song với việc đổi tên đó, Google Business Profile đã cung cấp cho SEO-er/Business Owner các tính năng cực kì hữu dụng gồm:
- Xác thực danh tính trực tiếp từ Google Search và Google Maps.
- Thử nghiệm truy cập lịch sử cuộc gọi ở Mỹ và Canada. Không sớm thì muộn cũng sẽ áp dụng ở các thị trường khác.
- Nhận tin nhắn trực tiếp thì khách hàng ngay từ Google Search và kiểm soát việc đã đọc/trả lời tin nhắn đó hay chưa ngay trên Google Search hoặc Google Map.
Không chỉ vậy, Google Map ở Mỹ còn hiển thị đa dạng hơn các thông tin về khoảng giá, hình ảnh sản phẩm, cũng như bộ lọc trực tiếp từ chính website (nếu có).
Đó chẳng phải là tối ưu, đơn giản hóa để thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm của người dùng thì là gì?
Ngoài ra, như mình có đề cập ở bản tin #nghienseo cuối năm, đó là trong năm 2021, Google còn đi kèm với một update không chính thức liên quan đến local SEO với tên gọi “Vicinity Update” (Update lân cận) – Các cửa hàng với vị trí gần hơn sẽ được ưu tiên hiển thị hơn.
Bạn biết không, mình có ngồi xem Google Trend từ 2017 – 2021 không thấy mục “gần đây” được lọt vào trend đâu. Chỉ từ 2020-2021, các câu hỏi như “rạp chiếu phim gần đây”, “quán sửa xe gần đây”,… mới lọt vào trend thôi.
Không chỉ vậy, Google Search cũng ưu tiên các kết quả mang tính địa phương hơn. Chẳng hạn như khi mình search cụm từ “anchor text”, các website tiếng Việt còn xếp trên cả các bài của Moz, Ahref.
Chưa hết đâu. Bạn có để ý là khi bạn đi qua một địa điểm nào đó, Google Maps sẽ thường nhắc bạn review về địa điểm đó (có ảnh, bình luận thì càng tốt hoặc ít nhất là cho cái đánh giá 1-5 *). Không chỉ nhắc trên Maps mà còn gửi cả email để nhắc. Không chỉ gửi một lần mà sau 1-3 tháng lại gửi lại lời nhắc đánh giá.
Hoặc có đôi khi Google Maps còn thông báo cho mình là có người đang đặt câu hỏi về địa điểm đó, bạn có sẵn sàng giúp đỡ họ không?
Nói tóm lại, xu hướng đối với local SEO của 2022 có thể gói gọn trong 7 chữ: “trải nghiệm mang tính cá nhân hóa”.
Google Business Profile càng hoàn thiện đến đâu, thì sức mạnh tổng thể của website càng mạnh đến đó. Cho dù bạn có đi bộ entity 500 social thì mình nghĩ chưa chắc uy tín bằng một cái Google Business Profile (GBP) đầy đủ thông tin, nhất là đối với các web e-commerce.
Google Business Profile chắc chắn sẽ là hắc mã của chiến lược SEO local 2022. Đừng lo lắng khi không thể thắng về mặt ranking trên Google Search, GBP sẽ giúp bạn tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Vậy nên, nhớ chăm chút cho Google Business Profile thật tốt cho 2022 bạn nhé.
À nhắc đến đây mới nhớ, dù đã xác minh hay chưa thì chúng ta cũng nên bổ sung thêm xác minh GBP bằng video nhé. Tại sao trong năm 2018, đây chỉ được coi là phương thức xác minh dự bị, mà đến 2021 thì lại trở thành phương thức xác minh mặc định? Video đang lên ngôi chăng?
Khi bạn mua hàng, bạn thích xem hình ảnh hay video quay trực tiếp sản phẩm hơn? Điều này cũng tương tự khi ta có cái nhìn đầu tiên về một doanh nghệp. Biết đâu có một ngày, chính video xác minh profile đó sẽ xuất hiện trên Google Maps thì sao?
XIV. E-COMMERCE SITE - Bật tung thứ hạng cùng google shopping
Làng SEO Việt có thể chưa cảm nhận được nhưng thế giới SEO bên Mỹ đã có hàng loạt các bài báo, chiến thuật đưa ra nhằm tận dụng sức mạnh từ Google Shopping để lên top các từ khóa bán hàng.
Trong suốt 8 năm liền từ 2012-2020, Google Shopping chỉ hiển thị các kết quả chạy quảng cáo. Anh em SEO-er muốn sản phẩm của mình xuất hiện trên đó thì phải bỏ tiền ra. Nhưng đến tháng 4/2020, Google đã cho phép xuất hiện các kết quả tự nhiên trên Google Shopping.
Có rất nhiều nguyên nhân nhưng một trong số đó là Google không muốn tiếp tục mất thị phần vào tay Amazon.
Để rồi sau đó, liên tiếp vào tháng 4/2021, 6/2021, Google cập nhật các tiêu chuẩn giúp chỉn chu sản phẩm trên Google Shopping, đồng thời bắt tay Shopify, Woocommerce, GoDaddy và hàng loạt các nền tảng bán hàng khác.
Và để mở bát họ cho năm 2022, ngày 6/1/2022, Google xác nhận đã đưa thêm phần “Shops” vào SERP trên điện thoại.
Phần “Shops” này sẽ hiển thị từ 3-10 website bán hàng mà cung cấp sản phẩm đúng với nhu cầu tìm kiếm của người dùng. Tuy nhiên hiện tại mới chỉ áp dụng ở Mỹ.
Mới đầu năm 2022 mà Google đã chơi mạnh tay vậy rồi. Trong bối cảnh thương mại điện tử và mua sắm trên điện thoại bùng nổ như hiện nay, các trang bán hàng nếu như nhận được sự hậu thuẫn, đồng thời biết cách tối ưu sản phẩm trên Google Shopping thì sẽ có thể bỏ xa đối thủ cạnh tranh hàng ngàn km (mục “shops” mà hiển thị đến 10 website thì lấy đâu ra chỗ trên trang nhất nữa)
XV. SEO BỀN VỮNG - Trường phái SEO mới
Bản thân mình khi liên tưởng đến cái gọi là “sustainability” (tính bền vững) mà cả xã hội đang theo đuổi, thì mình nghĩ 2022 sẽ khai sinh ra trường phái SEO mới với tên gọi SEO BỀN VỮNG (Sustainable SEO).
Không còn là SEO mũ trắng hay SEO mũ đen nữa, SEO BỀN VỮNG mới là trường phái mới của tương lai.
Tại sao mình có suy nghĩ đó? Đó là vì “user intent” sẽ thay đổi. Chúng ta rồi sẽ tìm đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường; sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội. “User intent” thay đổi theo hướng nào, thì Search Engine sẽ thay đổi theo hướng đó.
Dưới góc nhìn cá nhân, mình cho rằng SEO bền vững là phiên bản tiến hóa hoàn hảo nhất của SEO mũ trắng. Nó sẽ bao gồm 5 yếu tố cốt lõi sau:
- Thân thiện với công cụ tìm kiếm: hạn chế tối đa các lỗi kỹ thuật.
- Thân thiện với user: hiểu và đáp ứng “user intent”.
- Tập trung vào branding (thương hiệu), từ đó giúp làm nổi bật hình ảnh của công ty đối với khách hàng/ nhân viên/ nhà cung cấp/ xã hội.
- SEO đa nền tảng (Omnichannel SEO): bền vững và liên kết vững chắc trên mọi mặt trận.
- Có sự liên kết đến mạng lưới các website bền vững khác (backlink bền vững).
Loại hình website/doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nếu theo đuổi SEO bền vững? Mình cho rằng các doanh nghiệp bán các sản phẩm organic, thân thiện với môi trường; các khách sạn/công ty có hoạt động cắt giảm khí thải nhà kính,…
Nếu làm SEO bền vững, ta sẽ:
- Không cần chạy theo backlink mà backlink sẽ tự về.
- Không cần chạy theo Google vì cái mà ta theo đuổi cũng chính là cái Google hướng đến.
- Không cần lo sợ đối thủ cạnh tranh và chơi bẩn, vì ta đã có thương hiệu vững chắc trong mắt người dùng và công cụ tìm kiếm.
Thương hiệu chính là thứ có giá trị nhất. Mục tiêu tối thượng của trường phái SEO BỀN VỮNG chính là xây dựng một hình ảnh thương hiệu online uy tín trong mắt Google và người tìm kiếm.
-----------
Như vậy, chúng ta đã cùng nhau dự đoán 15 xu hướng SEO nổi bật 2022. Theo thứ tự là:
- USER INTENT – Ý định tìm kiếm của người dùng
- CONTENT QUALITY IS QUEEN - Nội dung chất lượng bao nhiêu, thống trị top bền vững bấy nhiêu
- VOICE SEARCH - Tìm kiếm bằng giọng nói
- MOBILE UX - Ưu tiên cho trải nghiệm trên di động
- FEATURED SNIPPETS - Đoạn trích nổi bật
- EVERGREEN CONTENT & LONG-FORM CONTENT - Nội dung xanh và nội dung dài chất lượng cao
- OMNICHANNEL SEO - SEO đa nền tảng
- HÌNH ẢNH & “VISUAL CONTENT” - Tư liệu trực quan
- Sự liên kết và đồng bộ trong dữ liệu giữa các TOOL SEO của GOOGLE
- E-A-T - Sẽ quay trở lại và lợi hại hơn xưa
- Sự trỗi dậy của VIDEO và PODCAST
- BACKLINK & GUESTPOST - Hoàng tử quốc dân
- LOCAL SEO 2022 - Trải nghiệm mang tính cá nhân hóa
- E-COMMERCE SITE - Bật tung thứ hạng cùng google shopping
- SEO BỀN VỮNG - Trường phái SEO mới
-----------
Dù là xu hướng SEO nào đi chăng nữa, thì đích đến vẫn là thỏa mãn “user intent”. Bất kì update, thuật toán, sự thay đổi nào của Google hay các công cụ tìm kiếm khác cũng nhằm đáp ứng điều này.
Do đó, một trong những kỹ năng đầu bảng mà các SEO-er cần đầu tư nghiêm túc chính là “Nghiên cứu khách hàng”.
Mình xin mạnh rạn đưa ra mô hình 5N trong SEO 2022 đó là:
“Nghiên cứu khách hàng” -> “Nghiên cứu chủ đề” -> “Nghiên cứu từ khóa” -> “Nghiên cứu đối thủ” -> “Nghiên cứu search engine”.
#nghiệnseo
#xuhướngSEO2022
Tham khảo thêm:
- Viết content với AI tool có phải là xu thế 2022?
- DatePublished và dateModified ảnh hưởng thế nào tới cách SEO offpage?
- Hướng dẫn tối ưu internal link (liên kết nội bộ) theo mô hình song song
- SEO website bán hàng - Mẹo SEO website bán oto
- Tư vấn chiến lược marketing cho đại lý, nhà phân phối
- CASE STUDY SEO website bán hàng - Mẹo SEO website điều hoà
Nhận xét
Đăng nhận xét